Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010


ĐỌC SÁCH TIN MỪNG

Ki-tô hữu đọc Sách Thánh

ĐỌC MÁT-THÊU

(Bài tóm)

ĐỌC SÁCH TIN MỪNG MÁT-THÊU

–––––––––––––––––––––––

A.GIỚI THIỆU VẮN TẮT

Mát-thêu có nhiêu chỉ dẫn về cách sống đạo thích hợp cho mọi thành phần Dân Chúa. Qua Mát-thêu, ta đến với các sách Tin Mừng kia.
 Chủ đích của Mát-thêu.

- Loan báo Đ.Giê-su Na-da-rét, Đấng rao giảng Tin Mừng về Nước Trời

. Là Con Thiên Chúa,

. đến để giải thoát dân Ít-ra-en và cứu độ muôn dân

 Chủ đề của Mát-thêu.

Đề tài chính của Mát-thêu là “Nước Trời”.

Có 5 bài giảng về Nước Trời (Mt 5–7; 10; 13; 18; 24–25),

với câu kết gần giống nhau: "Khi Đ.Giê-su đã … xong ... thì ..."

(Mt 7,28; 11,1; 13,53; 19,1; 26,1).

- Khi rao giảng, Đ.Giê-su cho thấy Tình Thương cứu độ của Thiên Chúa.

- Khi chữa bệnh và trừ ma quỷ, Đ.Giê-su cho thấy Uy Quyền của Thiên Chúa trên mọi người mọi vật

Đó là Nước Trời (hay Triều Đại Thiên Chúa) đã đến.

 Dàn bài tóm lược.

- Mát-thêu có 28 chương, ta chia làm 3 phần, theo 3 thời của Đ.Giê-su; thời giảng dạy chia làm 3 kỳ:

. Thời thơ bé (Mt 1–2).

. Thời giảng dạy (Mt 3–25):

. Thời khổ-nạn-phục-sinh (Mt 26–28).


 Sơ Đồ Mát-thêu.

- Về thời thơ bé, thời giảng dạy, thời khổ-nạn-phục-sinh (k-n-p-s).

Cảm nghiệm được Đ.Giê-su phục sinh và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nghiệm lại Sách Thánh, hiểu cuộc đời Đ.Giê-su cách sâu sắc, nhất là cuộc khổ-nạn-phục-sinh.

- Về thời giảng dạy (Mt 3–25),với 3 kỳ giảng:

B.DIỄN GIẢI GỢI Ý

Đã biết tổng quát về Mát-thêu, điều cần là đọc chính Mát-thêu. Xem phần Diễn Giải Gợi Ý sâu đây và đọc các đoạn Tin Mừng tương ứng để cảm nhận về Mát-thêu.

 Đ.Giê-su là Con Thiên Chúa (Mt 1,18-25).

Hai chương đầu của Mát-thêu nói về thời thơ bé của Đ.Giê-su và cho biết nguồn gốc của Ngài.

- Đoạn 1,28-25 cho biết Đ.Giê-su vừa là con người vừa là Con Thiên Chúa,

. sinh ra bởi quyền năng Chúa Thánh Thần,

. để cứu thoát Ít-ra-en Dân Chúa.

Ngài là “Em-ma-nu-en” là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta” để thực hiện Lời Hứa của Thiên Chúa, theo như lời Sách Thánh.

- Thánh Giu-se đón Đ.Ma-ri-a về, và đặt tên cho em bé là Giê-su có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Quả thật Đ.Giê-su là Đấng Cứu Thế.

Thiên Chúa cũng cần một “Giu-se công chính” (1,19) để mẹ Đấng Cứu Thế được yên thân trong xã hội Do-thái và Con Thiên Chúa có “hộ thường trú” (!) giữa loài người, đồng thời được kể là thuộc dòng họ vua Đa-vít, theo lời hứa.

Thiên Chúa thực hiện chương trình của Người, nhưng qua những con người. Chúng ta, mỗi người mỗi cách, cũng được Thiên Chúa mời gọi góp tay vào công trình của Thiên Chúa vẫn còn đang tiếp diễn.

 Tám mối phúc (Mt 5,1-12).

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó ...

………………………….....

Phúc thay ai bị bách hại ..."

(Nghe sao có vẻ ngược đời quá! Nhưng đây không phải là những suy tính thường tình của kiếp người vắn vỏi và hạn hẹp).

Phúc là vì có tấm lòng đơn sơ chân thật và vì được tấm lòng Thiên Chúa đoái thương.

. Ba mối phúc mở đầu dành cho những tấm lòng đơn nghèo, hiền lành và khiêm nhượng, chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa.

Họ được Thiên Chúa đặc biệt mời gọi đón nhận Tin Mừng về Nước Trời. Đ.Giê-su vốn là người nghèo “hiền lành và khiêm nhượng” như thế (Mt 11,29).

. Ai sống công chính và ước ao cho sự công chính được thực thi (tức là hướng về Thiên Chúa) thì sẽ được thoả lòng.

. Ai biết thương xót (tức là biết nghĩ đến người khác) thì sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Câu chuyện về ngày phán xét chung là một minh họa, Mt 25,31-46.

. Ai có tấm lòng chân thật trong sáng sẽ được gặp Thiên Chúa và sự thân tình của Người.

. Ai xây dựng hoà bình thì chứng tỏ mình là con cái của Cha Trên Trời và là anh em của mọi người.

. Ai bị ngược đãi vì sống công chính, thì đã chia sẻ thân phận của Đ.Giê-su, Đấng Công Chính bị ngược đãi. Nước Trời chắc chắn là gia nghiệp của họ.

Tám Mối Phúc là những điều mà người môn đệ chân chính cảm nghiệm dần dần khi dấn bước theo Đ.Giê-su.

 Đức công chính trong Nước Trời (Mt 5,17-48).

Sống công chính theo tinh thần của Nước Trời là sống bác ái thật lòng. Mấy trường hợp làm ví dụ:

- Về tình người (Mt 5,21-26).

Con người là cao quý hơn mọi thứ ở trần gian. Hại đến mạng sống con người là một trọng tội. Giận ghét hoặc làm khổ làm nhục người khác là phạm bác ái rồi.

Tha thứ, hòa giải là cần thiết và cao trọng hơn lễ vật. Có thông hiệp với nhau mới có thể được hiệp thông với Chúa.

- Về tình yêu nam nữ (Mt 5,27-32).

Chớ ngoại tình.

Có ý định làm chuyện tà dâm là đã phạm tà dâm trong lòng.

Các quyến rũ, cũng như các ý nghĩ và cảm xúc về tình nam nữ vốn là chuyện tự nhiên, tuy có thể trở thành dịp cám dỗ, dịp tội Cần tỉnh táo và thành thực với mình, với người, để loại trừ mọi ý định xấu..

Tự móc mắt, chặt tay là những lối nói để người nghe phải chú ý và quyết tâm.

- Về tình nghĩa vợ chồng (5,31tt).

Tình nghĩa vợ chồng là chuyện trọn đời trọn kiếp.

Hãy nghĩ tới hạnh phúc (bây giờ và mai sau) của vợ chồng, của con cháu và cả xã hội loài người.

- Chớ thề thốt (5,33-37).

Có nói có, không nói không. Thế thôi.

- Chớ trả thù (5,38-42).

Luật Cựu Ước cho phép trả thù theo mức độ mình bị hại: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Đ.Giê-su thì nói: bị vả má phải thì đưa luôn má trái.

Đây là lối nói với hình ảnh rất mạnh để người nghe phải chú ý.

Điều chính là cần vượt qua lòng thù oán.

- Yêu kẻ thù (Mt 5,43-48).

“yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình”.

Như thế mới trở nên con cái của Cha Trên Trời là Đấng hoàn toàn thánh thiện, đoái thương người lành cũng như kẻ dữ.

 Cầu nguyện như Chúa dạy: Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13).

“Lạy Cha”, “Abba” trong ngôn ngữ A-ram là tiếng trẻ con nói với bố. Đ.Giê-su dạy chúng ta hãy đơn sơ thân mật với Thiên Chúa, vì Ngài là cội nguồn vừa là Đấng yêu thương gần gũi chúng ta.

“Lạy Cha chúng con”: khi nhận biết Thiên Chúa là Cha, chúng ta cũng nhận biết mọi người là anh chị em của mình.

“Cha Trên Trời”: không có nghĩa là ở một nơi nào, mà là Cha vô cùng cao cả thánh thiện, vượt trên mọi người cha ở trần gian.

Kinh Lạy Cha gồm có hai phần:

 Phần đầu có 3 nguyện ước: Cho Danh Cha, Nước Cha, Ý Cha.

- “Danh Cha cả sáng” (hoặc “hiển thánh”): Nguyện xin cho loài người tin nhận Ngài là Thiên Chúa duy nhất, chân thật và vô cùng thánh thiện.

- “Nước Cha trị đến”: Nguyện xin cho mọi người nhận biết uy quyền của Chúa trên muôn loài muôn vật và tình thương cứu độ của Người.

- “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: Nguyện ước mọi người biết thực thi ý Chúa như lòng Ngài mong mỏi.

 Phần sau là 4 lời cầu xin về những điều chúng ta cần hằng ngày, để sống xứng đáng là con cái Chúa.

- Xin lương thực phần xác phần hồn.

- Xin Chúa tha thứ và cho mình biết thứ tha.

- Xin ơn vượt thắng các chước cám dỗ.

- Xin ơn cứu thoát khỏi sự dữ kẻo bị lạc mất Chúa.

“A-men” gốc là tiếng Do-thái, có nghĩa là: xin cho được như vậy.

Tóm lại, Đ.Giê-su dạy chúng ta:

. Trước hết hãy nghĩ đến Chúa và ơn cứu độ cho muôn người.

. Sau là những điều cần thiết thường ngày của chúng ta.

Kinh Lạy Cha là mẫu mực của mọi lời cầu nguyện.

 Tin Mừng cho những người đơn sơ bé mọn (Mt 11,25-30).

- Đ.Giê-su vui mừng mà ngợi khen Chúa Cha, vì các kẻ đơn sơ bé mọn được yêu thương chăm sóc. Họ được hiểu biết về Nước Trời chứ chẳng cần phải là thông thái tài giỏi.

- Vì lợi ích chung, cần có luật lệ. Nhưng nhiều luật và lệ của đạo Do-thái thời ấy đã trở thành cái ách, cái gánh quá nặng cho những người đơn sơ bé mọn. Đ.Giê-su cảm thương họ.

- Ách và gánh của Đ.Giê-su là đạo lý Tin Mừng, đặt nền tảng trên tình yêu. Nơi Đ.Giê-su, người hiền lành khiêm nhượng sẽ được bình an và hạnh phúc.

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11,29tt).



 Dụ ngôn về người gieo hạt giống Lời Chúa (Mt 13,1-23).

- Công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước trời cũng tựa như việc đi gieo giống. Có hạt hư đi, có hạt mang kết quả, có nơi được 30, có nơi 60 hoặc 100. Dụ ngôn lại nhắc nhở ta về cách đón nhận và thực hành Lời Chúa. Lời Chúa như hạt giống tốt. Lòng dạ con người là đất để đón nhận Lời Chúa.

Hãy cẩn thận về cách nghe, cách đón nhận và thực thi Lời Chúa, vì tùy đó mà ta được (hay bị) xếp hạng.

 Bước theo Đ.Ki-tô trong lòng Hội Thánh (16,13-28).

- Đ.Giê-su dẫn các môn đệ đi riêng, xa đám đông, khi đến gần thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Ngài dò hỏi ý dân chúng hiểu về Ngài, rồi hỏi các ông: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Câu hỏi này vẫn tiếp tục vang vọng trong lòng lịch sử nhân loại và trong lòng những ai bước theo Ngài.

- Ông Phê-rô tuyên xưng:

“Thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống”.

Đ.Giê-su nói với ông:

“Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này,

Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,

và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời:

dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc,

dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi”.

(Mt 16,18tt; xem thêm 18,18tt).

- Chỗ này được xem là khúc rẽ quan trọng, vì từ đây Đ.Giê-su

bắt đầu nói về con đường khổ-nạn-phục-sinh.

. Con Người sẽ lên Giê-ru-sa-lem, chịu nhiều đau khổ,

bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại.

. Ai muốn theo Thầy, phải quên mình,

vác thập giá mình mà bước theo.

Con đường khổ-nạn-phục-sinh Đ.Giê-su đã đi qua,

Con đường các môn đệ ngày xưa nối gót,

Cũng là con đường của Hội Thánh hôm nay,

Và của chúng ta ngày lại ngày.

 Giáp mặt Chúa (Mt 25,31-46).

- Đ.Giê-su dùng một câu chuyện để nói về việc phán xét muôn dân.

- Điều bất ngờ là ở đây vị xét xử chỉ chú trọng đến cách mỗi người đối xử với người khác, nhất là đối với kẻ nghèo khổ, ốm đau, hoạn nạn, v.v…

Điều bất ngờ thứ hai là người lành cũng như kẻ dữ đều bỡ ngỡ mà thưa lại rằng: “Có bao giờ chúng con gặp thấy Chúa đói khát, hay là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù …”

- Và Chúa cho biết: khi đối xử như thế đó đối với những người gặp khổ đau hoạn nạn, là đã làm cho chính Ngài rồi vậy!

Phải chăng mỗi khi đứng trước một người đang cần sự yêu thương giúp đỡ là ta như đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, dù có tin hay không tin Thiên Chúa.

Lý do là bởi “Yêu Chúa và Yêu người” là hai mà một.

Tất cả đạo Chúa gồm tóm chỉ có thế! Mà đó là tất cả!

 Ga-li-lê đất hẹn hò (Mt 28,1-8.16-20).

Nói về Đ.Giê-su sống lại, Mát-thêu dùng một lối văn riêng của Cựu Ước và mấy hình ảnh của văn khải huyền như “Thiên thần Chúa mặt sáng như chớp”, “đất rung chuyển” v.v...

Điều quan trọng nằm trong lời thiên thần nói với các bà:

“[…] Đấng bị đóng đinh không có ở đây, […]

hãy về nói với các môn đệ là Ngài đã sống lại

và đi Ga-li-lê trước, ở đó các ông sẽ gặp Ngài” (Mt 28,57).

Đất Ga-li-lê không được xem trọng, còn bị gọi là đất dân ngoại, đất của dân tứ xứ, vì nhiều phen đã bị nước ngoài xâm chiếm, lại cũng thường có dân ngoại lui tới buôn bán làm ăn.

Hẹn ở Ga-li-lê phải chăng là ở tứ phương, trên đường đời vạn nẻo.

Các môn đệ đến Ga-li-lê, lên núi để gặp lại Đ.Giê-su.

Đ.Giê-su phục sinh long trọng ngỏ lời với các môn đệ:

“[…] Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.

19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, […] 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”

(Mt 28,18-20).

Mt 28,16-20 là đoạn văn then chốt, vừa tóm kết sách Mát-thêu vừa tuyên xưng Đ.Giê-su là Đấng Cứu Thế nắm giữ mọi quyền trên trời dưới đất.

Ngài ban lệnh rao giảng Tin Mừng về Nước Trời cho muôn dân và hứa sẽ luôn luôn có mặt cùng Hội-Thánh-Dân-Chúa.

Câu 20 gợi lại Mt 1,23: “Đ.Giê-su Phục sinh” là “Em-ma-nu-En” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta).

* * *


- Mát-thêu có nhiều lời chỉ bảo về cách sống đạo, thích hợp cho mọi thành phần Dân Chúa. Qua Mát-thêu ta dễ đến với các sách Tin Mừng kia.

 Chủ đích: - Loan báo Đ.Giê-su Na-da-rét,

Đấng rao giảng Tin Mừng về Nước Trời,

. là Con Thiên Chúa,

. đến giải thoát Ít-ra-en và cứu độ muôn dân.

 Dàn Bài Tóm Lược:

Mát-thêu có 28 chương, ta chia làm 3 phần theo 3 thời của Đ.Giê-su Ki-tô; thời giảng dạy chia làm 3 kỳ:

. Thời thơ bé (1–2)

. Thời giáng dạy (3–25):

. Thời khổ-nạn-phục-sinh (26–28)



 Mấy đoạn để nghiền ngẫm cách riêng:

. Mt 5,1–7,29 : Bài giảng trên núi: Sống công chính theo tinh thần của Nước Trời.

. Mt 6,5-15 : Kinh Lạy Cha: (Cầu nguyện như Đ.Ki-tô dạy).

. Mt 13,1-52 : Hạt giống Lời Chúa cho mọi người.

. Mt 16,13-28 : Bước theo Đ.Ki-tô trong lòng Hội thánh.

. Mt 28,16-20 : Ga-li-lê đất hẹn hò!



Câu nằm lòng:

“Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân […]

dạy họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.

và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”

(Mt 28,19-20).



Không có nhận xét nào :