Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

VÔ VI NHƯ THẦY GIÊSU 
GB. Trần Ngọc Long

Khổng Tử đã từng chủ trương là “nhập thế hữu vi, nghĩa là cần phải lăn xả vào đời, làm tất cả để giáo dục con người, biến đổi xã hội. Khác hẳn với Khổng Tử thì Lão Tử lại chủ trương xuất thế vô vi”, tức là không tham dự, không can thiệp mong đổi thay cuộc đời. Kẻ vô vi như thế, cũng là kẻ vô sự, sống mà không có vấn đề, hư vô thanh tĩnh, không tranh đấu, không căng thẳng, điềm nhiên nhìn thế sự xoay vần nổi trôi. Vì thế, khi con người đạt được Đạo thì lúc đó sẽ cảm nhận được cái thênh thanh nhất của Đạo là “Không tên, không tuổi, không danh [1].
Chúng ta càng đi sâu vào tư tưởng Lão Trang, thì chúng ta cũng bắt gặp lối sống đó trong Kitô giáo, và ngay trong chính Con Người của Đức Giêsu Kitô. Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là Thầy, nhưng vẫn gọi chúng ta là bằng hữu. Điểm đặc biệt nơi Đức Giêsu Kitô là tự do, thênh thang, nhưng cũng rất quan tâm đến người khác. Bất kỳ ai đến với Người đều cũng được nhận sự chia sẻ, sự đồng cảm, sự quan tâm và niềm an ủi, được tôn trọng cách đặc biệt. Dù là giàu sang quyền thế, hay khố rách áo ôm, dù là đạo đức hay tội lỗi thì đều được đón nhận. Đức Giêsu Kitô không chỉ xuất thế, mà Ngài còn nhập thể. Ngài không chỉ vô vi, mà còn có cả hữu vi.
Vì vậy, người tu sĩ ngày nay cũng cần phải có lối sống vô vi như Thầy Giêsu. Bên cạnh sự dấn thân cho sứ vụ truyền giáo, còn phải sống đời sống thánh hiến theo tinh thần Phúc Âm, cho nên đòi hỏi người tu sĩ càng phải nỗ lực nhiều hơn. Phải nói rằng Đức Giêsu Kitô  đã sống và dấn thân trọn vẹn trong sứ mệnh mà Chúa Cha giao phó. Người sống và thể hiện qua câu nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.".[2]
1.     Con đường không tên .
Mở đầu sách Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết:
“ Đạo khả đạo phi thường đạo.
Danh khả danh phi thường danh.
Vô, Danh thiên hạ chi thủy
Hữu, Danh vạn vật chi mẫu “ [3]
Đạo của Lão-Trang là Đạo “VÔ DANH”. Đạo là một Nguyên Lý thuần nhất, “huyền bí trên mọi huyền bí ”, nên không dùng ý tưởng hay một danh từ nào ở thế giới tương đối, hữu hình này, để diễn tả cái Tuyệt Đối vì nó thuộc thế giới khác, thế giới siêu việt. Ngay cả dùng chữ “ĐẠO” để tạm gọi Nguyên Lý đó, thì cũng là điều gượng gạo, bất đắc dĩ mà thôi. Tuy là “vô danh” nhưng Đạo là nguồn gốc phát sinh mọi sinh vật, mọi loài “hữu danh”. Đạo luôn vĩnh cửu, không bao giờ mất.
Theo một nghĩa nào đó, thì Đạo là con đường, là một lối đi, là một hành trình của đời người. Con đường đó dẫn chúng ta đi tìm Chân lý, khám phá ý nghĩa cuộc sống. Vì thế, mỗi người sẽ có một con đường và một lối đi cho suốt cả hành trình của một kiếp người.
Chính Đức Giêsu Kitô đã khái quát hóa con đường nơi bản thân Ngài. Con đường dẫn chúng ta về với Thiên Chúa, là Đấng Chân - Thiện - Mỹ. Con đường đó phải đi ngang qua con người của Đức Giêsu Kitô, như Ngài đã trả lời ông Tôma: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy[4]. Thật vậy, Đức Giêsu đã hé mở cho ta một con đường. Con đường đó dẫn chúng ta đến với Thực Tại Tuyệt Đối, dẫn đến Đạo, dẫn đến Niết Bàn, dẫn đến sự Thật Giải Thoát, dẫn đến sự sống vĩnh hằng là Thiên Chúa. Con đường đó chính là Đức Giêsu Kitô.
2. Tinh thần vô vi.
Đức Giêsu Kitô cũng khuyên các môn đệ đừng lo lắng nhiều, mà phải biết sống phó thác, “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy[5]. Càng suy nghĩ về câu này, càng thấy thấm thía những tư tưởng của Đức Giêsu Kitô. Từ khi sinh ra cho đến lúc vĩnh biệt cõi đời này con người cũng chỉ trở về với hai bàn tay trắng, không mang được gì hơn. Vì thế, càng lo lắng, càng thu vén cho mình thì con người càng làm nô lệ nhiều thứ. Tiền tài, danh vọng và địa vị trong xã hội, chỉ là những phương tiện cho con người sống, chứ không phải là cứu cánh cho con người. Đức Phật đã có lý khi nói “Đời là bể khổ ”. Do đó, nếu con người cứ lệ thuộc, bám víu và đặt hết tâm trí vào đó thì con người càng đau khổ. Muốn thoát ra khỏi sự đau khổ đó thì con người cần phải được giải thoát, cần phải được giác ngộ khỏi sự Mê lầm, không lệ thuộc vào những gì mà thế gian mang lại. Hay nói cách khác chúng ta phải sống từ bỏ.
Tinh thần vô vi càng được Đức Giêsu Kitô khẳng định: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”[6]. Phải chăng đây là một tinh thần sống phó thác triệt để mà Đức Giêsu Kitô đã mời gọi chúng ta trên hành trình tìm kiếm Chân lý và Sự Thật. Mỗi người chúng ta đều có giá trị, có ý nghĩa trong cuộc sống. Vì thế, đừng làm mất giá trị của nó với sự lo toan, tính toán và bận rộn với sự đời. Tinh thần đó càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta sống từ bỏ.
Suốt cuộc đời của Ngài chỉ tóm gọn trong một chữ “Yêu”, Ngài không phân biệt người tốt hay người xấu, kẻ tội lỗi hay người đạo đức, người khôn ngoan hay người khờ dại. Trước mặt Ngài, mỗi con người đều có một giá trị đặc biệt, cần được yêu thương, cần được chở che, cần được chia sẻ.
3. Cuộc sống vô vi  là từ bỏ
Sống từ bỏ là một sự dấn thấn của mỗi người trong hành trình cuộc đời. Chấp nhận từ bỏ là chấp nhận đi ngượi lại với mong muốn của người đời. Để được tự do hơn, thênh thang hơn, không phải lệ thuộc thì mỗi người dám “đánh đổi” đời mình bằng cái giá rất cao, có khi trở thành người “không bình thường” trong con mắt của người khác. Từ bỏ mọi sự trở thành điều kiện cho những ai muốn trở thành môn đệ Đức Giêsu: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”[7]
Sống từ bỏ không dễ dàng chút nào, nói thì dễ nhưng thực hành thì vô cùng khó khăn. Mỗi người đều có những sở thích, có những đam mê, có những thú tiêu khiển… dễ dàng gì chúng ta bỏ được nó. Những cái nhỏ như vậy mà chúng ta không thể từ bỏ, thì làm sao chúng ta bỏ được những điều lớn lao hơn.
Ta thấy Đức Giêsu Kitô, trong sâu thẳm, có một phần của Lão Trang. Đức Giêsu Kitô đã từng nói với các môn đệ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Người còn lại nói: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì chẳng được vào”.[8]
Tóm lại, cuộc sống con người là một chuỗi hành trình trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Con người nếm đủ mùi vị cuộc sống, đắng cay, sầu khổ, vui buồn, hạnh phúc và cả tình yêu nữa. Nhưng con người không biết thưởng thức cuộc sống bằng tâm hồn trẻ thơ. Nên càng để cho cuộc sống vốn phức tạp lại trở nên phức tạp hơn.

4. Đời sống người tu sĩ ngày nay.
Khi suy nghĩ về cuộc đời của Đức Giêsu Kitô chúng ta thấy rất nhiều điểm tương đồng với Lão Tử. Đó là điểm dung hòa và căn cốt giữa Lão Trang và Kitô giáo. Đối với Lão Tử, Bậc thánh nhân thì “vô triệt tích”, chọn chỗ thấp mà sống, ẩn giấu mình đi. Đối với Đức Giêsu Kitô cũng vậy, khi mới sinh ra thì lấy “máng cỏ” làm nôi, lấy chuồng bò lừa làm nhà, đêm lạnh lẽo dùng “hơi ấm bò lừa” để sưởi ấm. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Ngôi Lời, là người giàu có nhất, thế mà được chào đón trong cảnh bần cùng, đói rét của kiếp người.
Mặt khác, trong suốt hành trình sứ vụ của mình, Đức Giêsu Kitô luôn chọn lối sống bình dân, không thích làm “vua” khi dân chúng muốn. Người thích lang thang phiêu bạt, từ làng này qua làng khác, rong ruổi từ Bắc xuống Nam trong hành trình sứ vụ của Người. Người cũng chịu bắt bớ, sỉ nhục, bị môn đệ phản bội, bị ruồng bỏ khi gặp nạn. Ngài cũng thấm được cái đói, cái nghèo của dân chúng, cũng phải xin người khác nước uống lúc đi đường mệt mỏi. Đặc biệt trong lời dạy dỗ của Ngài, Ngài luôn mời gọi các môn đệ sống khó nghèo, không ham mê của cải, quyền lực, danh vọng và những gì thế gian mang lại. Trái lại, hãy sống đơn giản, sồng hiền lành, biết quan tâm đến người nghèo khổ, thiếu thốn …v.v. Người nói: “Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: 'Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.  Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.".[9]
Đó cũng là đường lối rất đặc biệt của Đức Giêsu Kitô, Người không chủ trương lấy quyền lực mà thống trị, lấy uy lực để mà cai quản, ngược lại là đầy tớ phục vụ. Người nói:
“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai trị dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” [10]
Tinh thần phục vụ cũng như sức sống của Đạo không phải ở những người giỏi giang, quyền thế, khôn ngoan lanh lợi, mà chỉ dành cho người có tính khiêm hạ, bé mọn, biết quên mình để phục vụ kẻ khác. Chúa Giêsu cũng đã từng thốt lên: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” [11]. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa với tư tưởng con người như trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi cho Côrintô. Thánh nhân viết như sau:
“Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.” [12]
Lão Tử chủ trương bậc chân kiên quyết “tuyệt thánh khí trí, tuyệt nhân khí nghĩa, tuyệt xảo khí lợi[13]. Họ chẳng mong ước, cố gắng nên thánh theo nhân nghĩa, đạo lý, tôn ti trật tự, tập luyện để vươn lên. Họ hoàn toàn thụ động trong con đường tu đức này. Họ chỉ nguyện trở nên thầm lặng, trống không, buông xả, mộc mạc “Làm hang sâu trong thiên hạ thì đức đầy đủ, lại quay về chất phác mộc mạc-Vi thiên hạ cốc thường đức nãi túc, phục qui ư phác[14]. Chân nhân của Lão giáo còn là người tuyệt đối coi thường tất cả những sự khôn ngoan thông minh của đầu óc lý luận suy tư, rồi tích lũy kiến thức “trí giã bất bác, bác giã bất trí”.
Ngược với quan điểm của Lão Tử trong sách Luận Ngữ, Khổng tử nói: “Kẻ trí thích nước, kẻ nhân thích núi. Kẻ trí thích động, kẻ nhân thích tĩnh. Kẻ trí vui, kẻ nhân sống lâu”.[15] (VI, 21). Còn về tri thức thì Khổng Tử viết: “Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ lễ [16].
Vì thế, người tu sĩ ngày nay cũng cần phải có một lối sống “vô vi”, không phải là không làm gì cả, nhưng là không lệ thuộc vào thế gian. Sống trong thế gian nhưng mà không bị “hòa tan” vào thế gian, không bị nhiễm những thói đời, những danh lợi thú. Nhưng biết tỉnh thức và trở về con người thật của mình, để sống tự do, ung dung, mềm mại như nước, có tâm hồn trẻ thơ để biết đón nhận tất cả. Phải là chiếc bánh để bẻ ra cho người khác, biết trao ban, biết chia sẻ. Ước gì cuộc đời này càng có nhiều người dấn thấn cho tình yêu và cho lý tưởng để theo bước anh Giêsu trong hành trình làm người.

Kết Luận
Phải nói rằng Kitô giáo rất đề cao “vô vi”, sống tha thiết với ơn cứu độ, sống cái nghèo tận cùng của mình, thì mở ra ơn cứu độ, nên rất vô vi. Sống vô niềm vui, hoan lạc, sống rất tha thiết với chiều sâu, sống thênh thang, trở nên bé thơ, phó thác buông mình cho Thiên Chúa làm mọi sự.
Lối sống đó càng in đậm nơi con người của Đức Giêsu Kitô, có mấy ai thực sự gần gùi với trẻ thơ, với hoa với cỏ, với chim trời, với đồng lúa và biển cả cho bằng Đức Giêsu Kitô. Có mấy ai lắng hồn mình cho sâu thẳm bằng Đức Giêsu Kitô mỗi sáng thức và mỗi đêm trên núi hay trong đồng cỏ. Con người đó rất tầm thường, bé nhỏ quá, mong manh quá, vô nghĩa quá, tội lỗi quá, đớn đau quá. Thế nhưng, một khi Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể đã đến đây, đã vùi mình vào lòng “Đất Mẹ Thiên Nhiên”, và đã vùi mình xuống dòng sông Gio-đan khốn khổ cuộc đời, thì trong tất mọi con người, bất kỳ một ai, đều ẩn chứa Sự Chết và Sống Lại, đều chứa chan ánh quang Phục Sinh.
Tóm lại, sống cuộc đời bình thường đã là khó, nay sống vô vi chắc chắn sẽ khó hơn. Mặc dù là lối sống đơn giản, gần gũi với thiên nhiên và con người, không lệ thuộc vào thế gian nhiều như tiền tài, danh vọng và quyền lực. Song đây cũng là lời mời gọi cho mỗi người để sống cuộc đời cho thật có ý nghĩa, đặc biệt là tu sĩ thì cần phải thể hiện lối sống đó nhiều hơn. Noi gương Đức Giêsu Kitô, sống từ bỏ, sống vâng phục và dấn thân trong sứ vụ của mình như lời mời gọi của Đức Giêsu Kitô “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện.”[17]. Đây là lời mời gọi rất thiết thực cho mỗi người hãy cố gắng hoàn thiện bản thân, hoàn thiện chính mình để trở thành người môn đệ của Đức Giêsu Kitô như lời thánh Phaolô “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.”.[18]

Tài Liệu Tham Khảo
1.     Đặng Chí San, Lão Giáo, Giáo Trình Nội Bộ, Học Viện Đa Minh.
2.     Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử và Đạo Đức Kinh, Hà Nội: Văn Hóa Thông tin, 1998.
3.     Nguyễn Tôn Nhan, Lão Tử Đạo Đức Kinh, Văn Học, 1996.
4.     Phùng Hữu Lan, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, Nguyễn Văn Dương biên dịch, TPHCM: Thanh Niên, 1999.
5.     Nguyễn Khắc Viễn, Bàn Về Đạo Nho, TPHCM: Trẻ, 1998.
6.     Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước. TPHCM, 1998.



[1] Đặng Chí San, Lão Giáo, (Giáo Trình Nội Bộ, Học Viện Đa Minh), tr. 3.
[2] Mt  8,20
[3] Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử và Đạo Đức Kinh (Hà Nội: Văn Hóa Thông tin, 1998), sđd, tr. 161.
[4] Ga 14,6
[5] Mt  6,34
[6] Mt  6,26
[7] Mc  8,34
[8] Xc. Lc 18,16-17.
[9] Lc  14, 10 .
[10] Mt  20, 26-28.
[11] Mt  11, 25.
[12] 1 Cr  1, 27-28.
[13] Nguyễn Tôn Nhan, Lão Tử Đạo Đức Kinh (Văn Học, 1996), sđd., tr. 70.
[14] Nguyễn Tôn Nhan, sđd., tr. 103.
[15] Phùng Hữu Lan, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, Nguyễn Văn Dương biên dịch (TPHCM: Thanh Niên, 1999), tr. 32.
[16] Nguyễn Khắc Viễn, Bàn Về Đạo Nho (TPHCM: Trẻ, 1998), tr. 106.
[17] Mt  5,48
[18] Gl  2,20