Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Bình an trong khủng khoảng


Bình an trong khủng khoảng
(14, 27-31)
GB. Trần Ngọc Long,svd

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 14,27-31) tiếp nối bài Tin Mừng hôm qua (Ga 14,21-26). Cả hai đoạn này nằm trong phần cuối bài Diễn Từ thứ I của Đức Giêsu (13,31 - 14,31) với những Lời cáo biệt.
Thật vậy, từ câu 27 đến câu 31 chúng ta nhận thấy các môn đệ đang xao xuyến, lo âu trước “giờ” của Đức Giêsu - giờ Người về cùng Cha, Đức Giêsu đã hứa ban bình an cho các ông (c.27) Biết các môn đệ chưa vững tin, Đức Giêsu trấn an các ông: “Lòng anh em đừng xao xuyến” (c. 27c), hơn thế, phải vui mừng vì Thầy mình đi về cùng Cha (c.28b) và Thầy sẽ trở lại. Vui vì chính lúc khi bị thử thách, gian truân anh em mới có cảm nghiệm thế nào là bình an của Thầy ban.
Chủ đề mà bài Tin Mừng hôm nay muốn nhắm tới là: “Bình an trong khủng hoảng” của người môn đệ. Tại sao nói “Bình an trong khủng hoảng”, vì trong lúc các môn đệ xao xuyến, lo âu, bồi hồi thì Đức Giêsu hứa ban bình an của Người. Nên gọi là “Bình an được ban trong khủng hoảng” để muốn diễn tả hai chiều kích: một bên là sự khủng hoảng của người môn đệ và một bên là bình an của Đức Kitô.
1. Bình an do Đức Giêsu để lại.
Mở đầu câu 27 là lời Đức Giêsu hứa ban bình an:“Thầy để lại bình an cho anh em” (c. 27a).Trong câu nói này như có một sự so sánh giữa bình an Chúa Giêsu ban, và bình an của thế gian. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như thế gian ban [mà] chính Thầy ban cho anh em” (c. 27b). Bình an đối với người môn đệ ở đây là gì?
Người môn đệ sống trong tin, yêu,ở lại thì bình an chính là sự phó thác và vâng lời trong tình yêu và tin tưởng, đó chính là tuân giữ những điều Ngài đã dạy bảo: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23). Thật vậy, các môn đệ đang sống trong thế gian đêm tối đầy sợ hãi thì việc tuân giữ lời của Người sẽ bảo đảm đem lại bình an. Như  thế, có sự bình an thực sự chỉ khi tuân giữ lệnh truyền của Chúa Giêsu và lệnh truyền đó là “anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34).
Bình an Đức Giêsu ban không chỉ đơn thuần là lời chào chúc thông thường nhưng xuất phát từ sự chủ động trước cái chết nơi Người. Sự bình an Chúa Giêsu ban cho người môn đệ chính là sẽ dẫn các ông đến niềm vui, để có niềm vui đó chính là việc yêu mến Đức Giêsu thực sự: “Nếu Anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (c. 28b).
2. Những lời cuối cùng của Đức Giêsu.
Thật vậy, Đức Giêsu đã thổ lộ hết những điều mình muốn nói: “Anh em đã nghe chính Thầy đã nói với anh em”(c.28a), Chính Thầy nói chứ không phải ai khác, “Bây giờ, Thầy đã nói với anh em trước khi xảy ra… để anh em tin và Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa” (c.29.30a). Phải nói rằng đây là những lời tâm sự của Người trước khi ra đi, không còn nhiều thời gian để nói, nhưng anh em hãy tin. Ở đây, Đức Giêsu đang chuẩn bị để giúp các môn đệ chấp nhận cuộc thương khó của Người, cuộc thương khó ấy sẽ dẫn đến cái chết của Đức Giêsu. Khi thấy cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ sẽ tin, và sẽ tránh được sự thất vọng trên con đường theo Chúa. Nhờ tin như vậy, Thần Khí sẽ ở lại với các ông và sự bình an của Người cũng sẽ ở lại với các ông (c.29).
Tuy nhiên, các môn đệ phải vui mừng vì Đức Giêsu về cùng Chúa Cha. Trước khi được trở về cùng Chúa Cha thì Đức Giêsu phải trải qua con đường thập giá, chịu chết nhưng sau cái đau khổ, cái chết ấy là sự vinh quang, là cuộc chiến thắng của Đức Giêsu (c.30). Đức Giêsu về cùng Chúa Cha là điều tốt cho các môn đệ, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Người. Câu 30 gần như là câu khép lại bài diễn từ của Đức Giêsu, vì Người không còn nói với các ông nhiều nữa (c. 30a). Cho nên, Đức Giêsu mong muốn các môn đệ của mình vững tin vào Lời của Người.
3. Cuộc chiến với Thủ Lãnh thế gian.
 Mặc dù thủ lãnh thế gian đang đến, nhưng Đức Giêsu đã khẳng định nó không làm gì được Người, Đức Giêsu đã báo trước về sự chiến thắng của mình ( c.30b), nên việc sắp xảy ra không phải vì Đức Giêsu thua thế gian, nhưng là Người muốn chứng minh cho thế gian biết rằng Người yêu mến Chúa Cha và làm tất cả đúng theo thánh ý Chúa Cha (c. 31a). Câu 31b là dấu chứng kết thúc bài diễn từ: "Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây".
Đức Giêsu để lại ban bình an của Người cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Bình an mà các môn đệ cảm nhận được khi các ngài ra đi loan báo và làm chứng về cái chết và Phục sinh của Đức Giêsu. Dù bị bắt bớ, ném đá hay là bị nhốt trong tù và bị đánh đòn thì các môn đệ vẫn thấy “bình an” và thấy hân hoan và vui mừng vì đã được đối xử như vậy khi làm chứng về Đức Giêsu Kitô
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy không chỉ các môn đệ đang gặp khủng hoảng, xao xuyến, lo âu trước “giờ” của Đức Giêsu - giờ Người về cùng Cha, mà đó cũng là khủng hoảng mà cộng đoàn của Gioan đang đối diện, họ trải qua những khó khăn thử thách, họ cần được bình an của Đức Giêsu và họ đã nhớ lại Lời của Người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).
Lời ban bình an của Đức Giêsu không chỉ cho các môn đệ ngày xưa, nhưng mà vẫn được ban cho chúng ta ngày nay, mỗi lần chúng ta cử hành thánh Lễ là chúng ta nhắc lại lời này của Đức Giêsu. Điều quan trong là chúng ta có ý thức và xác tín mỗi khi nghe chủ tế đọc lại những lời này và chúng ta sống như thế nào?
Lạy Chúa Giêsu ! Các môn đệ đã cảm nhận được thế nào là bình an của Chúa khi ho ra đi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Xin Chúa cũng ban cho các nhà truyền giáo sự bình an của Chúa, để họ can đảm vượt qua thử thách, khó khăn trong đời sống chứng tá Tin Mừng.
Xin Chúa cũng giúp chúng con nhận ra được sự bình an của Chúa, mối lẫn chúng con gặp khó khăn, thử thách, lo âu và xao xuyến trên bước đường theo Chúa. Xin cho mõi người chúng con kiên trì và phó thác trong tình yêu của Chúa. Có như vậy, chúng con sống ngày càng xác tín hơn vào Lời Chúa dạy, sống đức tin mạnh mẽ, sống tin tưởng và phó thác trong bình an của Chúa. Amen.

1 nhận xét :

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN nói...

Cám ơn Bạn đã ghe Thăm..

God bless you!