Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Bình an trong khủng khoảng


Bình an trong khủng khoảng
(14, 27-31)
GB. Trần Ngọc Long,svd

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 14,27-31) tiếp nối bài Tin Mừng hôm qua (Ga 14,21-26). Cả hai đoạn này nằm trong phần cuối bài Diễn Từ thứ I của Đức Giêsu (13,31 - 14,31) với những Lời cáo biệt.
Thật vậy, từ câu 27 đến câu 31 chúng ta nhận thấy các môn đệ đang xao xuyến, lo âu trước “giờ” của Đức Giêsu - giờ Người về cùng Cha, Đức Giêsu đã hứa ban bình an cho các ông (c.27) Biết các môn đệ chưa vững tin, Đức Giêsu trấn an các ông: “Lòng anh em đừng xao xuyến” (c. 27c), hơn thế, phải vui mừng vì Thầy mình đi về cùng Cha (c.28b) và Thầy sẽ trở lại. Vui vì chính lúc khi bị thử thách, gian truân anh em mới có cảm nghiệm thế nào là bình an của Thầy ban.
Chủ đề mà bài Tin Mừng hôm nay muốn nhắm tới là: “Bình an trong khủng hoảng” của người môn đệ. Tại sao nói “Bình an trong khủng hoảng”, vì trong lúc các môn đệ xao xuyến, lo âu, bồi hồi thì Đức Giêsu hứa ban bình an của Người. Nên gọi là “Bình an được ban trong khủng hoảng” để muốn diễn tả hai chiều kích: một bên là sự khủng hoảng của người môn đệ và một bên là bình an của Đức Kitô.
1. Bình an do Đức Giêsu để lại.
Mở đầu câu 27 là lời Đức Giêsu hứa ban bình an:“Thầy để lại bình an cho anh em” (c. 27a).Trong câu nói này như có một sự so sánh giữa bình an Chúa Giêsu ban, và bình an của thế gian. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như thế gian ban [mà] chính Thầy ban cho anh em” (c. 27b). Bình an đối với người môn đệ ở đây là gì?
Người môn đệ sống trong tin, yêu,ở lại thì bình an chính là sự phó thác và vâng lời trong tình yêu và tin tưởng, đó chính là tuân giữ những điều Ngài đã dạy bảo: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23). Thật vậy, các môn đệ đang sống trong thế gian đêm tối đầy sợ hãi thì việc tuân giữ lời của Người sẽ bảo đảm đem lại bình an. Như  thế, có sự bình an thực sự chỉ khi tuân giữ lệnh truyền của Chúa Giêsu và lệnh truyền đó là “anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34).
Bình an Đức Giêsu ban không chỉ đơn thuần là lời chào chúc thông thường nhưng xuất phát từ sự chủ động trước cái chết nơi Người. Sự bình an Chúa Giêsu ban cho người môn đệ chính là sẽ dẫn các ông đến niềm vui, để có niềm vui đó chính là việc yêu mến Đức Giêsu thực sự: “Nếu Anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (c. 28b).
2. Những lời cuối cùng của Đức Giêsu.
Thật vậy, Đức Giêsu đã thổ lộ hết những điều mình muốn nói: “Anh em đã nghe chính Thầy đã nói với anh em”(c.28a), Chính Thầy nói chứ không phải ai khác, “Bây giờ, Thầy đã nói với anh em trước khi xảy ra… để anh em tin và Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa” (c.29.30a). Phải nói rằng đây là những lời tâm sự của Người trước khi ra đi, không còn nhiều thời gian để nói, nhưng anh em hãy tin. Ở đây, Đức Giêsu đang chuẩn bị để giúp các môn đệ chấp nhận cuộc thương khó của Người, cuộc thương khó ấy sẽ dẫn đến cái chết của Đức Giêsu. Khi thấy cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ sẽ tin, và sẽ tránh được sự thất vọng trên con đường theo Chúa. Nhờ tin như vậy, Thần Khí sẽ ở lại với các ông và sự bình an của Người cũng sẽ ở lại với các ông (c.29).
Tuy nhiên, các môn đệ phải vui mừng vì Đức Giêsu về cùng Chúa Cha. Trước khi được trở về cùng Chúa Cha thì Đức Giêsu phải trải qua con đường thập giá, chịu chết nhưng sau cái đau khổ, cái chết ấy là sự vinh quang, là cuộc chiến thắng của Đức Giêsu (c.30). Đức Giêsu về cùng Chúa Cha là điều tốt cho các môn đệ, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Người. Câu 30 gần như là câu khép lại bài diễn từ của Đức Giêsu, vì Người không còn nói với các ông nhiều nữa (c. 30a). Cho nên, Đức Giêsu mong muốn các môn đệ của mình vững tin vào Lời của Người.
3. Cuộc chiến với Thủ Lãnh thế gian.
 Mặc dù thủ lãnh thế gian đang đến, nhưng Đức Giêsu đã khẳng định nó không làm gì được Người, Đức Giêsu đã báo trước về sự chiến thắng của mình ( c.30b), nên việc sắp xảy ra không phải vì Đức Giêsu thua thế gian, nhưng là Người muốn chứng minh cho thế gian biết rằng Người yêu mến Chúa Cha và làm tất cả đúng theo thánh ý Chúa Cha (c. 31a). Câu 31b là dấu chứng kết thúc bài diễn từ: "Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây".
Đức Giêsu để lại ban bình an của Người cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Bình an mà các môn đệ cảm nhận được khi các ngài ra đi loan báo và làm chứng về cái chết và Phục sinh của Đức Giêsu. Dù bị bắt bớ, ném đá hay là bị nhốt trong tù và bị đánh đòn thì các môn đệ vẫn thấy “bình an” và thấy hân hoan và vui mừng vì đã được đối xử như vậy khi làm chứng về Đức Giêsu Kitô
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy không chỉ các môn đệ đang gặp khủng hoảng, xao xuyến, lo âu trước “giờ” của Đức Giêsu - giờ Người về cùng Cha, mà đó cũng là khủng hoảng mà cộng đoàn của Gioan đang đối diện, họ trải qua những khó khăn thử thách, họ cần được bình an của Đức Giêsu và họ đã nhớ lại Lời của Người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27).
Lời ban bình an của Đức Giêsu không chỉ cho các môn đệ ngày xưa, nhưng mà vẫn được ban cho chúng ta ngày nay, mỗi lần chúng ta cử hành thánh Lễ là chúng ta nhắc lại lời này của Đức Giêsu. Điều quan trong là chúng ta có ý thức và xác tín mỗi khi nghe chủ tế đọc lại những lời này và chúng ta sống như thế nào?
Lạy Chúa Giêsu ! Các môn đệ đã cảm nhận được thế nào là bình an của Chúa khi ho ra đi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Xin Chúa cũng ban cho các nhà truyền giáo sự bình an của Chúa, để họ can đảm vượt qua thử thách, khó khăn trong đời sống chứng tá Tin Mừng.
Xin Chúa cũng giúp chúng con nhận ra được sự bình an của Chúa, mối lẫn chúng con gặp khó khăn, thử thách, lo âu và xao xuyến trên bước đường theo Chúa. Xin cho mõi người chúng con kiên trì và phó thác trong tình yêu của Chúa. Có như vậy, chúng con sống ngày càng xác tín hơn vào Lời Chúa dạy, sống đức tin mạnh mẽ, sống tin tưởng và phó thác trong bình an của Chúa. Amen.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

EMMAU


Emmaus

Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : "Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Đó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Đó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012



Bình An Trong Tâm Hồn

Purna, một môn đệ của Đức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò như sau: Đức Thích Ca cho biết ý kiến: "Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con, con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng mạ con chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con". Đức Thích Ca tiếp lời: "Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con".
Nghe môn đệ xác quyết như thế, Đức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: "Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?". Không cần suy nghĩ lâu, Purna đáp: "Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này". Nghe đến đây, Đức Thích Ca bảo: "Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét".
Thiết nghĩ tự tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Kiếm Ve Sầu


02 Tháng Tư
Ve Sầu Kêu Ve Ve

"Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Đến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối...".
Trên đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ ngôn "Con ve và con kiến" của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.
Theo sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2 năm, loại 3 năm, loại 17 năm v.v... Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với mặt đất để bám chặt vào, rồi lột vỏ, biến thành con ve với hai cánh dài để bay... Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ vừa đủ để làm một công tác duy nhất là đẻ trứng rồi chết.
Kiếp sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt. Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.
Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

LẼ SỐNG 4



LẼ SỐNG 4

01 Tháng Tư
Tu Đâu Cho Bằng Tu Nhà
Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Đạo Con

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.
Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâu?". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Đi dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Đức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Để yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình... Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn... Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.
Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ và cách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.
Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài... Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.